Từ năm 2001 đến nay, 16 năm đã trôi qua, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ và các đồng minh đã gây ra những hao tổn đáng kể về người và của nhưng kết quả mà nó mang lại không tương xứng. Mặc dù thu được một số kết quả quan trọng, cuộc chiến này đã bộc lộ nhiều sai lầm, bất cập và khó có hồi kết. Theo đó, nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung vẫn chưa tìm ra được lời giải thỏa đáng cho bài toán chống khủng bố.
Theo giới phân tích quốc tế, sau 16 năm với 3 đời Tổng thống cùng những chiến lược khác nhau, Mỹ đã giành thắng lợi "thần tốc" trong hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan (năm 2001) và Iraq (năm 2003) nhưng lại bị "sa lầy" tại hai chiến trường này trong hơn một thập kỷ. Tính đến nay, đã có trên 2.400 binh sỹ Mỹ đã tử nạn khi tham chiến tại Afghanistan. Ngoài binh sỹ Mỹ và nước ngoài, tổng số người chết trong cuộc chiến tại Afghanistan có thể lên tới gần 100.000 người bao gồm binh lính và người dân địa phương.
Cuộc chiến chống khủng bố trong 16 năm qua còn để lại cho nước Mỹ những hệ lụy nhiều mặt về kinh tế, chính trị và đối ngoại. Riêng về kinh tế, theo thống kê mới nhất, Mỹ đã phải chi cho cuộc chiến chống khủng bố hàng chục nghìn tỷ USD. Trong đó, riêng trong cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, Mỹ đã tiêu tốn khoảng 6.000 tỷ USD.
Cuộc chiến do Mỹ tiến hành tại Afghanistan đã trải qua gần 16 năm và xung đột vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chiến lược mới tại Afghanistan. Theo nhận định của các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump, cuộc chiến tại Afghanistan đã rơi vào bế tắc khi lực lượng an ninh Afghanistan vẫn đang phải chật vật chống lại Taliban dù có sự hỗ trợ của Mỹ và NATO.
16 năm kể từ khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tại Afghanistan, lật đổ chế độ Taliban, xung đột vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Dư luận cho rằng, để việc chống khủng bố hiệu quả, Mỹ cần phải tiến hành giải pháp đồng bộ với sự hợp tác của cả cộng đồng quốc tế, nhất là giải quyết tận gốc sự đói nghèo, bất công, bất bình đẳng.
Chủ nghĩa khủng bố sinh ra từ sự thù hận, tư tưởng cực đoan mà nguồn gốc chính là sự bất công, phân cực trên thế giới. Chính vì vậy, cần có những giải pháp bền vững hơn và cách tiếp cận mới về chống chủ nghĩa khủng bố. Nếu không, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ sẽ có thể trở thành cuộc chiến không có hồi kết.
*Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!