TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Cạm bẫy lừa đảo xuất cảnh trái phép

Trần Long, Lê HoàCập nhật 16:42 ngày 09/08/2022

VTV.vn-Hiện nhiều người lao động đang vướng bẫy tuyển dụng "việc nhẹ, lương cao" đi lao động nước ngoài, thực chất là hành vi buôn bán người, cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tàì sản

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, 6 tháng đầu năm, đã có 68.000 lao động Việt Nam xuất cảnh làm việc ở nước ngoài. Trong đó, khoảng 60% lao động sang Nhật Bản, 30% sang Đài Loan (Trung Quốc), còn lại 10% sang các thị trường Hàn Quốc, Singapore, châu Âu.... Tuy nhiên, lợi dụng nhu cầu của người lao động mong muốn đi làm việc ở nước ngoài mà không phải trải qua các khâu tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề..., nhiều tổ chức, cá nhân đã tung ra các hình thức, thủ đoạn để lừa đảo. Có những hình thức, thủ đoạn rất tinh vi mà phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý, cơ quan chức năng mới phát hiện được.

Cuối tháng 7 vừa qua, Công an Quảng Nam đã khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Trương Công Duy, SN 1992, trú xã Quế Châu, Quế Sơn, Quảng Nam để điều tra hành vi "Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép". Đầu tháng 04/2022, Trương Công Duy đã tìm cách rủ rê 2 thanh niên cùng địa phương sang Campuchia, làm việc cho công ty của một người tên Nguyễn Thị Hiền, hiện cư trú tại Campuchia với mức lương 20.000.000 đồng/1 tháng. Sau khi được 2 thanh niên đồng ý, Duy đã tổ chức đưa 2 người này qua Campuchia và được trả 10.000.000 đồng tiền công. Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra hơn 10 vụ lừa đưa người sang Campuchia làm việc.

Trước đó, Công an tỉnh Thanh Hoá cũng khởi tố và bắt tạm giam đối với Trần Ngọc Chung, 19 tuổi, trú tại phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn về tội "Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép". Theo điều tra, Chung đã đưa trót lọt 4 công dân vượt biên sang Campuchia qua đường tiểu ngạch tại tỉnh Long An. Được biết, đối tượng này đã từng làm việc tại các sòng bài ở Campuchia. Đến nay, Thanh Hoá có hơn 380 trường hợp công dân xuất cảnh lao động trái phép sang Campuchia. Trong đó, lực lượng chức năng đã xác định được 65 trường hợp bị lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, khống chế, ép buộc thực hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, nhìn chung, hình thức, thủ đoạn lừa đảo của các tổ chức, cá nhân nói trên... nhắm vào nhu cầu muốn đi làm việc của người lao động bằng mọi giá, trong lúc nhận thức về pháp luật và thông tin việc làm ngoài nước của một bộ phận lao động còn hạn chế. Thêm nữa là các công ty dịch vụ xuất khẩu lao động đang mọc lên như nấm, có cả công ty ma lập ra để trục lợi. Trước ma trận lừa đảo này, để biết chính xác công ty đó có được cấp phép hoạt động hay không - hoặc có đang bị thu hồi giấy phép hay không, người lao động có thể truy cập Website của Cục quản lý lao động ngoài nước để tra cứu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nông dân Quảng Ngãi xây dựng thương hiệu nông sản

VTV.vn - Hiện nay, ở nhiều địa phương, nông dân không chỉ dừng lại ở sản xuất nông nghiệp mà chuyển dần sang mô hình kinh tế nông nghiệp.