Gần 20 năm qua, Đà Nẵng đã ban hành nhiều nghị quyết xác định ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin là ngành mũi nhọn, tạo xung lực phát triển, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Dựa trên những nền tảng đã tạo dựng được về môi trường đầu tư kinh doanh và hạ tầng công nghệ thông tin, cùng với sự quyết tâm của cấp uỷ và chính quyền thành phố, Đà Nẵng đang ở vị thế thuận lợi để hướng tới một trong những trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam và khu vực.
Trong vòng 1 năm trở lại đây, những bước đi cụ thể về phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn đã được Đà Nẵng triển khai, mang lại những kết quả bước đầu trong xúc tiến thu hút đầu tư cũng như chuẩn bị điều kiện hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực. Cụ thể, từ khi Việt Nam - Hoa Kỳ ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9/2023, TP Đà Nẵng đã nắm bắt thời cơ để đón làn sóng đầu tư phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Cùng với tiếp cận hàng loạt tập đoàn hàng đầu về thiết kế vi mạch bán dẫn như Nvidia, Marvell, Intel.., trong khuôn khổ của Hội nghị APEC tháng 11 năm 2023 tại Hoa Kỳ, UBND thành phố Đà Nẵng đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Synopsys - một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới về vi mạch bán dẫn. Tiếp nối sau đó, lần đầu tiên "Ngày vi mạch bán dẫn 2024" được tổ chức tại Đà Nẵng nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế của thành phố trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, cũng như các giải pháp cần triển khai nhằm khai thác tối đa thế mạnh này. Tại đây, các thoả thuận, ghi nhớ về hợp tác phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn giữa Đà Nẵng và các tập đoàn, doanh nghiệp cũng đã được ký kết.
Để phát triển ngành vi mạch bán dẫn và công nghệ thông minh, thành phố Đà Nẵng không chỉ thu hút đầu tư mà còn tăng cường đào tạo nhân lực. Theo kết quả khảo sát của Sở Thông tin và Truyền thông, hiện số lượng nhân lực ngành vi mạch bán dẫn trên địa bàn thành phố là khoảng 600 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn, chiếm khoảng 9% nguồn nhân lực của quốc gia. Mục tiêu đến năm 2030 Đà Nẵng cần 5.000 kỹ sư, trong đó 2.000 kỹ sư thiết kế, 3.000 kỹ sư đóng gói kiểm thử. Theo đó, Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực, liên kết với đơn vị uy tín để đào tạo đội ngũ giảng viên nguồn, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Nhiều doanh nghiệp cũng đã trao đổi, hợp tác cùng Đà Nẵng trong liên kết đào tạo nguồn nhân lực. Ngoài đào tạo nhân lực tại chỗ, Đà Nẵng cũng triển khai các chủ trương, chính sách "chiêu hiền đãi sĩ" với những cơ chế đặc thù nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc. Đây là yếu tố quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho Đà Nẵng từng bước tiến vào hệ sinh thái vi mạch bán dẫn toàn cầu.
Nghị quyết 136 năm 2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng có những ưu đãi vượt trội cho các nhà đầu tư chiến lược, được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để Đà Nẵng đẩy nhanh sự phát triển bền vững, toàn diện trong thời gian đến. Để hiện thực hóa các chính sách này trên thực tiễn, nhất là nhiều vấn đề rất mới và chưa có tiền lệ, thành phố này đã xác định những vấn đề trọng tâm cần thực hiện, đưa Nghị quyết 136 vào thực tiễn, đạt kết quả cao nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!