Cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định về phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển đến năm 2030. Theo đó, sẽ đầu tư phát triển nuôi biển thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có đóng góp quan trọng về sản lượng, giá trị và chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong toàn bộ ngành thủy sản. Theo Đề án này, đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000ha và đến năm 2030 đạt 300.000ha với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên việc nuôi thủy sản phát triển ồ ạt trong một thời gian dài khiến việc quy hoạch lại các vùng nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù sản lượng tăng nhanh nhưng lại kéo theo những hậu quả nặng nề như dịch bệnh trên thủy sản ngày càng diễn biến phức tạp, môi trường nuôi bị ô nhiễm, không nằm trong vùng quy hoạch nên chịu nhiều thiệt hại mỗi đợt thiên tai.
Mặc dù thực tế nhiều hộ dân đã có ý thức thu gom rác thải nhựa, thức ăn thừa, tuy nhiên do mật độ nuôi dày đặc, vượt quá quy hoạch nên nguy cơ ô nhiễm và dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và năng suất nuôi trồng thủy sản của người dân.
Trong ngành thủy sản có 2 lĩnh vực là nuôi trồng và đánh bắt. Song gần đây, do trữ lượng khai thác ngày càng giảm nên tại nhiều địa phương, bà con ngư dân đã chuyển sang hình thức nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao với tổng sản lượng nuôi trồng năm 2021 đạt 4,8 triệu tấn, vượt cả sản lượng khai thác. Vậy để việc phát triển một cách bền vững, các địa phương miền Trung đã có một số giải pháp cụ thể nhằm phát triển ngành nuôi thủy sản theo hướng bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!