TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Khỉ Sơn Trà - thủ phạm hay nạn nhân ?

Anh Quang, Mai KhươngCập nhật 15:52 ngày 23/08/2024

VTV.vn - Tình trạng khách tham quan thường xuyên cho khỉ ăn đang làm thay đổi tập tính của loài vật này, cũng như gây ra những tác động xấu cho hệ sinh thái tại bán đảo Sơn Trà.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, TP. Đà Nẵng là nơi sinh sống của rất nhiều loài động vật quý hiếm, đặc biệt là các loài linh trưởng trong diện bảo tồn đặc biệt. Tất cả các loài vật tại đây đều được bảo vệ và duy trì lối sống hoang dã tự nhiên. Tuy nhiên trong những năm gần đây, hành vi cho khỉ ăn, can thiệp vào đời sống động vật hoang dã không chỉ làm mất đi bản năng kiếm ăn của những đàn khỉ Sơn Trà mà còn thúc đẩy nguy cơ xung đột giữa con người và động vật hoang dã. Nhiều trường hợp đã bị khỉ tấn công, cũng như khỉ xảy ra va chạm với phương tiện giao thông khi đang kiếm ăn dưới đường. Tính trạng này đã nảy sinh và kéo dài nhiều năm gần đây tuy nhiên hiện các ngành chức năng, chính quyền địa phương vẫn chưa thể đưa ra các giải pháp ngăn chặn hữu hiệu vì thiếu các cơ sở pháp lý liên quan. Đặc biệt là với hành vi cho khỉ ăn bất chấp cảnh báo, tuyên truyền của lực lượng chức năng.

Thú vui ngắn ngủi với nhiều người nhưng lại đang gây ra hậu quả lâu dài với Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, với đàn khỉ tại đây khi bản năng kiếm ăn tự nhiên bị mất đi, nguồn sống dần phụ thuộc vào thức ăn từ người dân, du khách. Nguy cơ mắc các bệnh khi ăn thức ăn không phù hợp. Trở nên hung dữ, tấn công con người khi tranh dành thức ăn. Đặc biệt, việc được cung cấp thức ăn quá nhiều sẽ gây mất cân bằng đối với sự sinh trưởng của quần thể tự nhiên. Mục tiêu của khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà sẽ bị phá vỡ. Hành vi cho khỉ ăn rất dễ thực hiện, nhưng để khắc phục hậu quả hành vi này lại rất khó.

Không chỉ gây ra những hậu quả lâu dài. Những hậu quả ngay trước mắt cũng đã phát sinh khi những cuộc tiếp xúc phản tự nhiên không được chấm dứt. Những cuộc xung đột, khỉ tấn công người cho ăn đã xảy ra. Các yếu tố nguy cơ được cảnh báo trước đó đã thành hiện thực. Trong khi đó các hành vi tiền đề như việc cho khỉ ăn dẫn đến xung đột vẫn tiếp diễn.

Mất dần bản năng tự nhiên vì được cho ăn. Những đàn khỉ ngày càng dạn dĩ hơn với con người. Và việc nhận thức ăn của con người nhiều khi khiến chúng phải đánh đổi cả sinh mệnh. Từ vị thế chủ nhân của núi rừng đã trở thành những kẻ ăn xin trên chính địa bàn của mình.

Rõ ràng đang có những điểm hở trong hành lang pháp lý để bảo vệ động vật hoang dã hiện nay. Đặc biệt với các hành vi dễ thực hiện nhưng lại gây ra hậu quả khó khắc phục cho động vật, cho môi trường như việc cho khỉ ăn tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà hiện nay. Chỉ có một chế tài cụ thể, những hình thức xử phạt nghiêm khắc thì những hoạt động tuyên truyền của các tình nguyện viên, của đội kiểm soát liên ngành trong ngăn chặn hành vi cho khỉ ăn của người dân và du khách mới hết cảnh vô vọng.

Mặc cho những hoạt động tuyên truyền, kiểm soát của đội liên ngành gồm kiểm lâm, lực lượng địa phương, BQL du lịch, quân đội, công an đã rất tích cực trong ngăn chặn hành vi ảnh hưởng tới đời sống động vật hoang dã như cho khỉ ăn. Tuy nhiên rõ ràng việc tuyên truyền là không đủ. Vẫn còn quá nhiều yếu tố làm phát sinh hành vi nói trên. Thậm chí việc cho khỉ ăn còn nằm trong nội dung tour của một số đơn vị lữ hành được đăng tải, quảng cáo công khai trên các trang web, vì vậy, cần sớm có chế tài để xử lý những hành vi như thế này.

Có thể thấy. Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt rất có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi những hành vi vô ý thức của một bộ phận người dân và du khách. Và đây cũng không phải câu chuyện riêng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Hơn 180 khu Bảo tồn thiên nhiên trên cả nước phần lớn đều đã và đang phải đau đầu tìm cách giải bài toán xung đột xuất phát từ ý thức con người như Sơn Trà. Tất cả đều rất cần có một hành lang pháp lý đủ mạnh để có thể giảm thiểu, kiểm soát hiệu quả hơn những tác động của con người tới mục tiêu bảo tồn thiên nhiên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Đắk Lắk cần hoàn thiện lưới điện nông thôn

VTV.vn - Để có điện sinh hoạt hằng ngày, các hộ dân ở buôn Bhôk, xã Yang Tao, huyện Lắk, Đắk Lắk phải mạo hiểm nối đường dây điện từ trụ điện chính về nhà mình, gây mất an toàn.