TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Khó khăn trong xử lý nạn buôn bán Sâm Ngọc Linh giả

Đỗ Vinh, Lê HuyCập nhật 15:34 ngày 15/01/2024

VTV.vn-Sâm Ngọc Linh chỉ được trồng giới hạn trên núi Ngọc Linh, tuy nhiên, quy chuẩn hiện hành về sâm Ngọc Linh chưa rõ ràng nên xử lý các đối tượng buôn bán sâm giả gặp khó khăn.

Do dược tính cực kỳ tốt cho sức khỏe nên sâm Ngọc Linh được xem là quốc bảo, Thủ tướng Chính phủ đã xếp loại củ này là sản phẩm quốc gia. Sâm Ngọc Linh chỉ được trồng giới hạn trên núi Ngọc Linh. Ngay tại huyện Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam thì cũng chỉ có một số xã trồng được loại dược liệu quý này. Thông thường, người trồng sâm phải mất 5 đến 7 năm mới thu hoạch sâm củ. Sản lượng thu hoạch cũng không nhiều. Tuy nhiên hiện nay, trên thị trường, nhất là trên mạng xã hội, việc rao bán sâm một cách mập mờ khiến người tiêu thụ rơi vào ma trận.

Xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh - sản phẩm của quốc gia đã có những thành công ban đầu. Với giá vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu một kg, người trồng sâm Ngọc Linh trên núi Ngọc Linh đã hưởng lợi. Tuy nhiên, ngăn chặn nạn buôn bán sâm Ngọc Linh nhưng không trồng trên núi Ngọc Linh là nhiệm vụ rất quan trọng.

Quảng Nam rất quyết tâm bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh, tuy nhiên, các hộ trồng sâm tại Nam Trà My chưa được cấp mã số vùng trồng. Tại Quảng Nam, chưa có cơ quan nào kiểm nghiệm để chứng nhận sâm Ngọc Linh thật hay giả. Các quy chuẩn hiện hành về sâm Ngọc Linh vẫn chưa rõ ràng nên xử lý các đối tượng buôn bán sâm giả gặp nhiều khó khăn.

Theo đề án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện nay, tỉnh Kon Tum trồng được gần 1800 héc ta. Còn tại tỉnh Quảng Nam, hơn 1200 hộ gia đình huyện Nam Trà My trồng được 1600 héc ta. Tuy nhiên, với tình trạng mua bán sâm lấy tên sâm Ngọc Linh khiến người trồng sâm rất lo ngại. Không chỉ ngăn chặn mua bán sâm củ tươi hay các sản phẩm được chế biến từ sâm, việc ngăn chặn giống sâm giả ngay tại vườn cũng là nhiệm vụ rất quan trọng.

Tỉnh Quảng Nam đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn nạn trồng, sản xuất, chế biến, buôn bán sâm Ngọc Linh giả. Tỉnh này cũng đề nghị với các cơ quan chức năng Trung ương sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho người dân thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm. Đây là cơ sở để cơ quan chức năng cấp mã số vùng trồng, chứng nhận chỉ dẫn địa lý nhằm bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh - bảo vật của quốc gia.

Theo quy hoạch được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, Quảng Nam và Kon Tum sẽ là vùng trồng sâm Ngọc Linh với diện tích trên 45 ngàn héc ta. Trong tương lai, hai địa phương này sẽ xây dựng ngành công nghiệp chế biến sâm chuyên sâu, mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, hàng ngàn hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số dưới chân núi Ngọc Linh đã giàu lên nhờ cây sâm. Vì vậy, bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh, mạnh tay xóa bỏ nạn sâm giả cần phải thực hiện quyết liệt hơn nữa.

Tình trạng mua bán sâm giả diễn ra rất phức tạp khiến người tiêu dùng mất niềm tin khi mua sâm. Khi người tiêu dùng quay lưng với bảo vật của quốc gia thì đề án sâm của quốc gia khó thành hiện thực. Vì vậy, ngoài khuyến cáo là mua sâm Ngọc Linh ở những nơi có uy tín, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm được xem là cách để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xây dựng vùng trồng hướng đến tiêu thụ sản phẩm

VTV.vn- Việc đăng ký mã số vùng trồng đang dần được nông dân quan tâm, bởi sản phẩm có mã vùng trồng không chỉ gia tăng giá trị cho sản phẩm mà còn tiêu thụ dễ dàng hơn.