Quảng Nam được xem là địa phương có trữ lượng vàng gốc và vàng sa khoáng lớn nhất ở nước ta. Thời gian qua, chính quyền các địa phương đã vào cuộc ngăn chặn nhưng tình trạng đào đãi vàng vẫn còn tiếp diễn.
Tại huyện Phước Sơn, hiện nay, tình hình khai thác vàng trái phép diễn ra tại nhiều xã vùng sâu vùng xa. Lực lượng công an đã tiến hành nhiều đợt truy quét tại xã Phước Thành, Phước Hiệp, Phước Hòa, Phước Đức… phá hủy nhiều phương tiện máy khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng rút khỏi hiện trường thì tình trạng khai thác vàng lại tái diễn. Riêng tại thôn 5A xã Phước Thành thuộc huyện Phước Sơn, nhiều đối tượng đã đào sâu vào lòng núi làm biến dạng cả một quả đồi hàng chục héc ta. Theo người dân địa phương, không loại trừ một số doanh nghiệp lợi dụng giấy phép thăm dò khai thác vàng để khai thác quy mô lớn.
Hệ lụy tình trạng khai thác vàng kéo theo tình trạng sử dụng hóa chất cấm như thủy ngân, cyanua để tuyển vàng gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Ngoài ra, việc đào đãi vàng tràn lan tại các khu vực đồi núi cao làm gia tăng nguy cơ sạt lở đất, lũ quét bất thường.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam rất kiên quyết trong việc xóa bỏ nạn đào đãi vàng trái phép. Trước đó, năm 2021, lực lượng vũ trang của tỉnh này dùng gần 7 tấn thuốc nổ đánh sập 75 hầm vàng tại vườn quốc gia sông Thanh và đến nay, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách vẫn còn chốt chặn tại bãi vàng. Theo nhiều người, để dẹp bỏ nạn đãi vàng, chốt chặn tại bãi vàng được xem là giải pháp hữu hiệu nhất.
Thực tế tại vườn quốc gia sông Thanh cho thấy, sau khi đánh sập 75 hầm vàng, lực lượng chức năng đã đẩy đuổi được hàng ngàn đối tượng làm vàng trái phép ra khỏi rừng già. Tuy nhiên, tại mỏ vàng Bồng Miêu của huyện Phú Ninh, gần một năm nay, cho dù cơ quan chức năng đã tiến hành đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường nhưng khu vực chung quanh mỏ vàng này, hoạt động khai thác vàng vẫn tiếp tiếp diễn. Trước thực trạng này, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam sẽ quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương để xảy ra nạn khai thác vàng, gây thất thoát tài nguyên và ô nhiễm môi trường.
Tại khu vực phụ cận mỏ vàng Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Phần lớn đất rừng trở thành các điểm khai thác vàng trái phép. Những quả đồi từng là rừng, giờ bị đào xới, để lại những hố sâu ủ hóa chất bốc mùi nồng nặc. Tình trạng khai thác vàng trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu rộ lên gần 10 năm nay. Hàng trăm người sống bám vào các hầm vàng năm này qua năm khác, lực lượng chức năng tổ chức truy quét nhưng nạn làm vàng vẫn tái diễn.
Khi công ty vàng Bồng Miêu hết giấy phép khai thác năm 2016, tình trạng khai thác vàng trái phép khu vực hầm lò cũ diễn ra phức tạp. Hiện nay, huyện Phú Ninh thành lập 2 tổ chốt chặn tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Phú Ninh cho rằng, huy động lực lượng bảo vệ tại mỏ vàng vượt quá khả năng của chính quyền địa phương. Truy quét có thể làm giảm tình trạng khai thác vàng trái phép, còn xóa bỏ hoàn toàn đang là bài toán khó với địa phương này.
Nỗi lo lớn nhất từ hoạt động khai thác vàng là nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt các địa phương ở hạ du. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường rà soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, đồng thời truy trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ địa phương nếu để xảy ra khai thác vàng trái phép.
Hiện nay, địa phương thường xuyên cắt cử lực lượng để đẩy đuổi các đối tượng làm vàng trái phép ra khỏi rừng. Để ngăn chặn triệt để người dân địa phương làm vàng trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu, sau khi đóng cửa mỏ, hoàn thổ phục hồi môi trường, huyện Phú Ninh cần bố trí đất để người dân sản xuất, không lệ thuộc vào công việc bòn mót vàng.
Khai thác vàng trái phép và quản lý các mỏ vàng được cấp phép luôn là vấn đề nóng của tỉnh Quảng Nam. Mới đây, tỉnh ủy Quảng Nam có văn bản gửi Ban cán sự đảng UBND tỉnh, các địa phương về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, nhất là vàng trên địa bàn tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, nhất là quản lý chặt chẽ các mỏ vàng đã được đóng cửa, không còn hoạt động. Bên cạnh đó chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, thành lập các tổ liên ngành thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác tài nguyên khoáng sản vàng trái phép. Điều này cho thấy, lãnh đạo tỉnh này rất kiên quyết trong công tác xử lý vấn nạn khai thác vàng trái phép hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!