Theo các chuyên gia, lực lượng quản lý thị trường phân bón rất mỏng. Đặc biệt các cán bộ chuyên trách thường xuyên bị thay đổi nên việc theo dõi, nắm bắt tình hình không được hệ thống. Thêm vào đó việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, không đủ sức răn đe do số vụ việc bị khởi tố rất ít, đa phần áp dụng xử phạt hành chính trong khi lợi nhuận từ phân bón giả rất lớn.
Đa số phân bón kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường là phân NPK, hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh… vì các loại phân bón này có nhu cầu tiêu thụ lớn, dễ pha trộn nên dễ làm giả hoặc giảm chất lượng và bán với giá rẻ hơn. Đặc biệt, phân kali bị làm giả nhiều nhất bởi chỉ cần nghiền trộn đất, đá với muối và bột màu là có hàng bán ra thị trường. Các đối tượng thu mua các sản phẩm hóa chất giá rẻ trên thị trường trộn lẫn cùng thuốc bảo vệ thực phẩm mua trôi nổi rồi sử dụng các bao bì của các thương hiệu nổi tiếng bán ra thị trường.
Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm bị xử phạt hành chính với mức cao nhất là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức.
Hiện, giá phân bón tăng cao nhất trong vòng 50 năm qua. Nhưng dù có bỏ một số tiền lớn cũng chưa chắc đã mua được phân bón đạt chuẩn thì rõ ràng, hàng triệu hộ nông dân luôn đối mặt với nguy cơ mất tiền, cây trồng không đạt năng suất.
Trong khi nhu cầu phân bón của cả nước mỗi năm lên đến gần 11 triệu tấn. Đây là thị trường tiềm năng, cũng là mảnh đất màu mỡ cho nhiều đối tượng sản xuất phân bón giả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!