Năm 2011, do ô nhiễm nặng, thành phố Đà Nẵng di dời đến địa điểm mới, cách danh thắng Ngũ Hành Sơn gần 1 cây số. Để xử lý ô nhiễm, Đà Nẵng đã dành 3,5 héc ta để bố trí cho gần 380 hộ sản xuất, chế tác đá. Điều đáng nói là sau khi dời đến nơi sản xuất mới, tình trạng ô nhiễm còn trầm trọng hơn trước. Di dời làng đá mỹ nghệ Non Nước chẳng khác gì mang ô nhiễm từ làng cũ dưới chân núi Ngũ Hành Sơn đến địa điểm mới - sát khu dân cư hơn.
Lối vào làng đá mỹ nghệ Non Nước Đà Nẵng. Giữa tiết trời nắng nóng, tiếng máy cắt, đục đá đinh tai, nhức óc. Mỗi khi xe vận chuyển đá đi qua, bụi đá bay mịt mù. Giải tỏa, bố trí hàng trăm lô đất để người dân làm xưởng nhưng kết quả: ô nhiễm càng trầm trọng hơn. Khu dân cư cách cơ sở sản xuất đá này chỉ vài trăm bước chân. Chỉ một cơn gió, bụi đá sẽ phát tán ra hàng trăm mét.
10 năm trước, lúc làng nghề mới di dời lên đây chỉ có hơn 100 cơ sở sản xuất đá thì nay đã tăng lên gần 400. Mỗi ngày, trung bình một cơ sở đã thải ra gần 10 mét khối nước thải, vượt xa công suất thiết kế hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Chưa kể, hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt của thành phố không thể xử lý nước thải bột đá và hóa chất kèm theo. Ban quản lý làng nghề cũng bất lực trước thực trạng ô nhiễm này, bởi giải quyết ô nhiễm làng đá mỹ nghệ Non Nước là bài toán rất khó khăn, cần có giải pháp đồng bộ để sớm đưa làng đá này ra khỏi khu dân cư.
Do tầm nhìn quy hoạch hạn chế, chỉ hơn 10 năm, làng đá mỹ nghệ Non Nước quá tải dẫn đến ô nhiễm nặng nề. Chưa kể, quy hoạch nhà xưởng theo kiểu chia lô bán nền, mỗi hộ được bố trí 100 mét vuông nên không thể sản xuất trong xưởng mà phải bày ra ngoài đường để gia công Làng đá từng được kỳ vọng là điểm đến cho du khách kết nối với danh thắng Ngũ Hành Sơn thì nay trở thành là điểm đen ô nhiễm. Không thể xử lý được tiếng ồn, bụi đá và nước thải, thành phố Đà Nẵng đang lên kế hoạch tiếp tục di dời hơn 200 cơ sở gây ô nhiễm lên khu công nghiệp Hòa Cầm nhưng nhiều chủ cơ sở chưa đồng thuận.
Ngày 11/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Theo đó, phạm vi lập quy hoạch có diện tích hơn 100 héc ta nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị danh thắng Ngũ Hành Sơn trở thành không gian văn hóa, không gian tổ chức lễ hội kết hợp điểm vui chơi giải trí đặc sắc của thành phố Đà Nẵng; kết nối với các điểm di tích, danh thắng nổi tiếng khác của thành phố này với các địa phương lân cận để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, là điểm đến quan trọng trên hành trình du lịch Con đường Di sản miền Trung. Để làm được điều này, trước tiên, Đà Nẵng cần mạnh tay xử lý ô nhiễm tại làng đá nằm gần danh thắng Ngũ Hành Sơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!