TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Nông nghiệp thông minh - Con đường xoá nghèo

Đỗ Vinh, Đình HiệpCập nhật 09:19 ngày 10/12/2024

VTV.vn - Xây dựng nền nông nghiệp thông minh để nâng cao giá trị nông sản đã từng bước thay đổi đời sống nông dân, góp phần tích cực vào xóa hộ đói, giảm hộ nghèo và tăng hộ giàu.

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược - là trung tâm sản xuất cây công nghiệp lớn nhất cả nước. Vùng cao nguyên ba zan rộng gần 55 ngàn kilomet vuông này là nơi sinh sống chan hòa của nhiều dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Những năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, nhà nước, bức tranh kinh tế - xã hội Tây Nguyên ngày thêm khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của hơn 5 triệu đồng bào Tây Nguyên ngày nâng cao. Tây Nguyên hôm nay không chỉ ổn định về xã hội mà còn phát triển năng động, thành vùng kinh tế lớn của đất nước. Có thể nói, xây dựng nền nông nghiệp thông minh để nâng cao giá trị nông sản đã từng bước thay đổi đời sống bà con, góp phần tích cực vào xóa hộ đói, giảm hộ nghèo và tăng hộ giàu.

Tỉnh Gia Lai có gần 100 ngàn héc ta cà phê, một phần diện đã già cỗi trên 20 năm. Thời gian qua, nông dân một số địa phương, trong đó có huyện Chư Prông đã hoàn thành viêc tái canh diện tích cà phê lâu năm, năng suất thấp. Trong 5 năm qua, huyện Chư Prông đã cấp hơn 1,7 triệu cây giống, tái canh được hơn 2000 héc ta. Điều đáng nói là trên diện tích tái canh, sản lượng thu hoạch gần đạt 4 tấn nhân/1hecta, tăng hơn 30% so với trước tái canh.

Song song với việc ứng dụng khoa học vào công nghệ sản xuất nông nghiệp, hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai đã mời gọi, thu hút hàng loạt doanh nghiệp chế biến nông sản lớn đầu tư vào địa phương. Trung bình mỗi năm, lĩnh vực trồng trọt đóng góp khoảng 30 ngàn tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh này có hơn 50 dự án trồng trọt lớn với quy mô đầu tư hơn 10 ngàn tỷ đồng. Nông nghiệp công nghệ cao đang là lợi thế của tỉnh này.

Tỉnh Gia Lai có gần 900 ngàn héc ta đất sản xuất nông nghiệp phù hợp với cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao, trong đó diện tích lớn nhất vẫn là cây cà phê. Hiện nay, các địa phương ở Gia Lai như huyện Chư Prông đã chủ động phối hợp với các Viện, trường Đại học và các doanh nghiệp trồng trọt, chế biến tổ chức tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ trực tiếp giống cho bà con nông dân. Nâng cao năng suất cây trồng, tăng hiệu quả diện tích canh tác, phát triển nông nghiệp thông minh là chìa khóa để xóa nghèo, làm giàu. Đây là chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để thay đổi cách sản xuất truyền thống vốn đã ăn sâu vào trong nếp nghĩ của bà con đồng bào dân tộc thiểu số không phải là chuyện dễ. Bằng nhiều cách khác nhau, trong đó quan trọng nhất là bà con thấy được hiệu quả nên bà con đã làm theo. Từ thành công trên, hiện nay trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, nông dân mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ để giảm công lao động, tăng năng suất. Các nông hộ liên kết để thành lập các hợp tác xã để dễ nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Với diện tích hơn 12 ngàn héc ta, sầu riêng là một trong những cây trồng chủ lực của nông dân Tây Nguyên. Đến thời điểm này, tỉnh Gia Lai có hơn 4000 ngàn héc ta sầu riêng, năng suất trung bình đạt 15 tấn/ héc ta. Tại các vùng trồng chuyên canh sầu riêng tại Chư Sê, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, bà con nông dân đầu tư theo hướng nông nghiệp sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Điều đáng nói là các hộ nông dân tự nguyện thành lập các hợp tác xã để đăng ký chứng nhận vùng trồng, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Mô hình hợp tác xã sẽ giúp bà con nông dân chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng thương hiệu, thuận lợi hơn trong ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Rút kinh nghiệm từ việc phát triển nóng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp khi giá thu mua tăng cao, rủi ro lớn, quy hoạch vùng trồng, tìm đầu ra ổn định, liên kết chặt chẽ giữa nhà nông và doanh nghiệp thu mua, chế biến đang được huyện Chư Prông của tỉnh Gia Lai đang triển khai. Đưa các cơ sở chế biến về đến vùng trồng, xây dựng thương hiệu nông sản riêng hướng đến xuất khẩu. Chính mô hình này đã giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, trong đó phần lớn là đồng bào tại chỗ.

Với khoảng 610 ngàn hec ta cà phê (chiếm 90% diện tích cà phê cả nước), hơn 250 ngàn hec ta cao su, 90 ngàn hecta hồ tiêu và 12,6 ngàn hec ta sầu riêng, Tây Nguyên đang là trung tâm sản xuất nông nghiệp và ngành chế biến nông nghiệp của cả nước. Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi mới đã từng bước thay đổi căn bản nền nông nghiệp Tây Nguyên vốn lạc hậu, năng suất thấp. Hiện nay, hàng trăm doanh nghiệp lớn đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng vào lĩnh vực sản xuất này, trong đó Gia Lai được xem là vùng trọng điểm về chế biến nông sản công nghệ cao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xây dựng vùng trồng hướng đến tiêu thụ sản phẩm

VTV.vn- Việc đăng ký mã số vùng trồng đang dần được nông dân quan tâm, bởi sản phẩm có mã vùng trồng không chỉ gia tăng giá trị cho sản phẩm mà còn tiêu thụ dễ dàng hơn.