Ngành thủy sản Việt Nam đang được quy hoạch theo mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã định hướng các ngành nghề mới có tiền năng, dư địa lớn để giúp các địa phương cũng như ngư dân ven biển có đối tượng nuôi và phát triển, ngành rong biển là 1 trong số đó.
Ở khu vực miền Trung từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận diện tích trồng rong hiện khoảng 1.400 ha với 3 đối tượng chính là rong câu, rong sụn và rong nho. Dù có dư địa khá lớn nhưng để trồng và phát triển rong biển theo quy mô hàng hóa lại chưa nhiều. Bất cập hiện nay là diện tích có thể phát triển các loại rong khá lớn nhưng nhiều doanh nghiệp lại nhập đến 90% nguyên liệu từ nước ngoài. Như ở Công ty Cổ phần Rau Câu Sơn Hải: Năm 2021, cả vụ chỉ thu mua trong vùng được hơn 60 tấn rong câu, năm 2022, cũng chỉ thu mua được hơn 120 tấn.
Như vậy, có thể thấy nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu đối với các mặt hàng chế biến từ rong rất lớn nhưng nguồn nguyên liệu đủ chất lượng, phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp lại đang thiếu. Và bài toán này đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như các địa phương tính đến để phát triển ngành rong biển bền vững, hướng đến mô hình kinh tế nuôi biển cho người dân ven biển.
Hiện nay, Việt Nam có 88 loài rong biển có giá trị kinh tế và có thể trồng được trên diện tích 900.000 ha. Tuy nhiên, giai đoạn 2005-2019 chỉ trồng khoảng 10.150ha, sản lượng khoảng 120.000 tấn tươi. Trong đó, lợi nhuận rong nho khoảng 150 triệu/ha và rong sụn khoảng 60 triệu/ha. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện là thời điểm vàng để chúng ta phát triển ngành rong được tốt hơn, tuy nhiên việc phát triển rong biển phải gắn chuỗi liên kết, để làm sao giữa các thành viên trong chuỗi có đời sống tốt, có hiệu quả kinh tế và đóng góp chung cho phát triển bền vững.đặt ra mục tiêu đến năm 2025, sản lượng rong tảo biển cả nước đạt 180.000 tấn; đến năm 2030, đạt 500.000 tấn.
Lo ngại hiện nay là chất lượng giống rong đang ngày một suy giảm do giống gốc hầu hết là nhập ngoại. Diện tích trồng rong biển ven bờ ngày càng bị thu hẹp do khu vực này ưu tiên quy hoạch cho du lịch. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến rong biển còn hạn chế. Công nghệ thu hoạch, bảo quản và xử lý sản phẩm sau thu hoạch còn thô sơ nên chất lượng và sinh khối của rong chưa cao và chưa ổn định.
Với lợi thế chiều dài bờ biển hơn 3.200km và diện tích có thể phát triển ngành rong biển lên đến 900 ngàn hecta cùng với việc xây dựng kế hoạch, tổ chức phát triển sản xuất, chế biến rong tảo biển phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương sẽ tạo nguồn nguyên liệu ổn định, đạt chất lượng đáp ứng mục tiêu đến năm 2030 giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 14-16 tỷ USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!