Dịch vụ môi trường rừng là khoản kinh phí mà các đơn vị sử dụng nguồn nước như thủy điện, nhà máy nước... thanh toán lại cho các chủ rừng dựa theo lưu vực. Đây là nguồn kinh phí để các địa phương có rừng chi trả lại cho lực lượng bảo vệ rừng và cộng đồng làng nhận khoán bảo vệ rừng.
Tại tỉnh Quảng Nam, nhờ bảo vệ rừng tốt nên số tiền thu từ dịch vụ này tăng, năm nay có thể vượt 200 tỷ đồng. Để khuyến khích người dân giữ rừng, Hội đồng Nhân dân tỉnh này đã thông qua Nghị quyết tăng tối đa số tiền khoán bảo vệ rừng để giảm dần số vụ phá rừng.
Thay vì lập các trạm kiểm lâm ở các tuyến quốc lộ để bắt gỗ tại ngọn, tỉnh Quảng Nam có chủ trương giữ rừng tại gốc. Hiện nay, hầu hết các con đường vào rừng nguyên sinh đều có các trạm bảo vệ rừng. Những trạm này do các chủ rừng quản lý, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách đảm nhiệm việc tuần theo lâm phận đã giao khoán. Ngay như trạm bảo vệ rừng này, ngoài bảo vệ 13 ngàn héc ta rừng phòng hộ Tây Giang, tổ bảo vệ rừng còn cử một đội ăn ngủ trong rừng canh giữ 1300 gốc lim cổ thụ quý hiếm. Nhằm khuyến khích lực lượng giữ rừng, kinh phí chi trả tăng gấp nhiều lần so với trước đây.
Quảng Nam có gần 780 ngàn héc ta rừng và đất quy hoạch phát triển rừng. Diện tích rừng tự nhiên lớn, địa hình phức tạp nên cũng tác bảo vệ rừng rất khó khăn. Hiện nay, tỉnh này đã giao gần 320 ngàn héc ta cho 11 chủ rừng và các cộng đồng làng bảo vệ. Tổng nguồn thu kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng năm 2023 ước đạt 200 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này dùng để chi trả lương cho lực lượng giữ rừng chuyên trách và các nhóm hộ đồng bào vùng đệm giữ rừng. Chi phí giao khoán bảo vệ rừng tăng, trách nhiệm lực lượng bảo vệ rừng cũng tăng theo. 3 năm trở lại đây, số vụ xâm hại đến rừng liên tục giảm mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!