Tổng thống Nga và Thủ tướng Israel bắt tay. (Ảnh: AP).
Từ đầu năm 2018 trở lại đây, Israel đã tiến hành khoảng 200 cuộc không kích vào miền Bắc Syria. Trong khi đó, Nga lại quyết định chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 tối tân cho Syria, triển khai hệ thống phá sóng radar, đồng thời tiến hành nâng cấp một loạt hệ thống phòng không cho quân đội Syria. Israel hầu như chắc chắn sẽ không chấp nhận dừng các chiến dịch không kích của mình tại miền Bắc Syria. Họ cho rằng, Iran và các lực lượng thân Iran đang tận dụng miền Bắc Syria để thiết lập những căn cứ địa sát biên giới nhằm trấn áp Israel.
Nếu như trước đây Israel đạt được một thỏa thuận không can thiệp từ phía Nga, nay điều đó đã không còn. Israel là một cường quốc tại Trung Đông, có nền công nghiệp quốc phòng khiến nhiều nước phải kiêng nể. Từ trước đến nay, nước này vẫn giữ một vị thế trung lập tương đối trong mối quan hệ với Mỹ và Nga. Nay nguy cơ đối đầu Israel - Nga đang mang lại những dự cảm không lành tại Syria và Trung Đông. Dự kiến vào ngày 25/9, Thủ tướng Israel Netanyahu sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Trump bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ để bàn về tình hình khủng hoảng với Moscow.
Ngày 24 và 25/9, các hãng truyền thông Israel đã lập tức lên tiếng bày tỏ lo ngại về cơn ác mộng đang chờ Israel ở chiến trường Syria. Việc quân đội Syria được trang bị tổ hợp tên lửa phòng không S-300 hiện đại nhất từ trước đến nay có thể gây nguy hiểm cho các hoạt động của không quân Israel trong khu vực, buộc Israel phải cân nhắc kỹ trước khi tiến hành các cuộc tấn công ở Syria. Rõ ràng, sự gia tăng căng thẳng giữa các bên tham chiến sau vụ máy bay Il-20 của Nga bị bắn hạ đang khiến cục diện chiến trường tại Syria bị xáo trộn mạnh mẽ và trở nên khó lường hơn bao giờ hết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!