Mới đây nhất tại Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế, ngành y tế cùng các lực lượng chức năng đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, trong đó chủ yếu là thuốc kháng sinh. Tại tỉnh Thanh Hóa qua kiểm tra đột xuất, Sở Y tế đã phát hiện một cơ sở buôn bán thuốc tân dược trên địa bàn thành phố Thanh Hoá bán lô thuốc kháng sinh Cefuroxim 500mg có các dấu hiệu thuốc giả. Khi kiểm tra chất lượng, lô thuốc kháng sinh này không đạt yêu cầu chất lượng về các chỉ tiêu định tính. Ngay lập tức, Sở Y tế Thanh Hoá niêm phong lô thuốc kháng sinh này và báo cáo cho Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.
Liên tiếp tại Thừa Thiên Huế ngay sau khi có thông báo của Cục quản lý dược, lô thuốc kháng sinh CEFIXIM 200 tại một nhà thuốc trên địa bàn thành phố Huế khi kiểm tra chất lượng cũng bị phát hiện là thuốc giả, không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu Định tính Cefixim. Trên thị trường, Cefixim là thuốc kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn và thường được chỉ định trong điều trị các nhiễm trùng đường hô hấp trên như: viêm họng, viêm amiđan, viêm tai giữa, viêm xoang...và thường xuyên được người dân sử dụng. Việc ngành y tế tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện lô thuốc cefixim 200 giả trôi nổi trên thị trường đã khiến nhiều người lo lắng bởi nếu không may mua phải thuốc giả thì hệ lụy về sức khỏe là vô cùng nghiêm trọng.
Theo thống kê từ đầu năm đến nay, Cục quản lý dược Bộ Y tế đã phát hiện và thu hồi 4 lô thuốc vi phạm chất lượng trên toàn quốc, đồng thời yêu cầu các sở y tế các địa phương tăng cường kiểm tra giám sát, phối hợp xử lý thuốc giả và xử phạt theo quy định của pháp luật.
Từ những vụ việc nêu trên có thể thấy tại Việt Nam, vấn đề thuốc giả đã tồn tại rất lâu trong đời sống xã hội và để lại nhiều hệ lụy. Không chỉ bất hợp pháp, những loại thuốc này khi trôi nổi trên thị trường sẽ làm giảm niềm tin của người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng, thậm chí dẫn đến tử vong.
Bên cạnh hệ lụy về sức khỏe, vấn nạn thuốc giả cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các nhà cung cấp dược phẩm chân chính. Với việc được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện những điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng, thuốc thật và giả khi để cạnh nhau. Tuy nhiên điều này người tiêu dùng rất khó để phân biệt.
Theo các chuyên gia y tế, thuốc giả có nhiều dạng khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng là khi sử dụng cả bác sĩ và người bệnh đều thất bại trong điều trị, tăng độc tính, tăng tình trạng kháng thuốc, thậm chí người bệnh tử vong. Nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng 1/100.000 đến 1/10.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lên tới 1/10. Trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc, đặc biệt nghiêm trọng là sốc phản vệ.
Thuốc giả không phải đến bây giờ mới được phát hiện và đề cập. Về mặt kinh tế, thuốc giả là món hàng siêu lợi nhuận, và đây cũng là lý do mà các đối tượng sản xuất, buôn bán tiêu thụ thuốc giả bất chấp tất cả, kể cả vi phạm pháp luật. Và dù có nhiều biện pháp, chế tài xử lý, nhưng vấn nạn thuốc giả vẫn luôn nhức nhối với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, trong khi chờ các cơ quan quản lý vào cuộc gắt gao hơn, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức về thuốc, tìm hiểu kỹ tình trạng pháp lý của cơ sở kinh doanh dược phẩm để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, gây nguy hại đối với sức khỏe.
Hiện nay mặc dù đã có cơ chế chính sách đầy đủ để quản lý dược, nhưng đến nay thuốc giả, thuốc không đạt chất lượng vẫn được tuồn ra thị trường, thậm chí len lỏi vào cả hệ thống bệnh viện. Ngoài triển khai các biện pháp quyết liệt chống thuốc giả, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân chỉ nên mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược có uy tín; không mua bán thuốc không rõ nguồn gốc; kịp thời thông báo các dấu hiệu nghi ngờ về sản xuất, kinh doanh thuốc giả cho cơ quan chức năng để kịp thời xác minh, xử lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!