TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Tiêu điểm: Bài học hỗ trợ thiên tai

Tấn Quýnh (VTV8)Cập nhật 10:15 ngày 05/10/2018

VTV.vn - Nỗi lo đã quay trở lại bởi nói đến bão lũ là nói đến mất mát, thiệt hại với các tỉnh miền Trung. Sự chia sẻ, hỗ trợ thiệt hại do thiên tai là hết sức có ý nghĩa.

Những ngày qua, tại vùng nuôi thủy sản trọng điểm của cả nước là tỉnh Khánh Hòa, hàng ngàn hộ gia đình đã tiếp nhận tiền hỗ trợ được trích từ ngân sách của tỉnh này. Đằng sau việc hỗ trợ này là những câu chuyện đang được nhiều người quan tâm trong mùa mưa bão hiện nay. 

Tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) - vùng nuôi thủy sản bằng lồng bè lớn nhất khu vực Nam Trung bộ và cũng là nơi chịu thiệt hại nặng nề trong trận bão số 12 năm ngoái, những ngày qua, 1654 trường hợp đã được hỗ trợ với tồng kinh phí 11 tỷ 578 triệu đồng. Việc hỗ trợ này được thực hiện theo chủ trương được HĐND tỉnh Khánh Hòa thống nhất , đó là trích ngân sách để hỗ trợ các hộ nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè bị thiệt hại do bão nhưng không thuộc đối tượng hỗ trợ theo Nghị định 02 năm 2017 của Chính phủ. Mức hỗ trợ đồng đều: 7 triệu đồng mỗi hộ. Số tiền này không nhiều nhưng  là nguồn động viên đối với những hộ nuôi thủy sản, những gia đình mà suốt gần một năm qua, cuộc sống bị đảo lộn kể từ sau bão.

Khánh Hòa là địa phương duy nhất trích ngân sách để hỗ trợ thiệt hại thiên tai đối với các hộ nuôi trồng thủy sản. Và một trong những lý do mà Khánh Hòa đưa ra quyết định này là bởi có rất nhiều trường hợp ở vùng nuôi thủy sản, mặc dù bị thiệt hại nặng nề nhưng lại không nhận được hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ. Cũng cần nhắc lại, Nghị định 02 được Chính phủ ban hành vào ngày 9/1/ 2017, đưa ra cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tại những vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Nhưng những hộ nuôi thủy sản bằng lồng bè lại không nhận được hỗ trợ.

Những vùng nuôi thủy sản vẫn còn đó những rủi ro chực chờ khi khối tài sản tiền tỷ của người dân lênh đênh trên lồng bè giữa biển. Nếu xảy ra rủi ro, những vướng mắc trong hỗ trợ thiệt hại chắc chắn sẽ lặp lại. Và rồi cuối cùng, hộ thiệt hại nhiều hay ít cũng phải chấp nhận khoản tiền hỗ trợ đồng đều như những gì mà họ đã nhận được trong những ngày qua. Danh sách nhận tiền hỗ trợ thiệt hại thiên tai- 7 triệu đồng toàn bộ danh sách...Với người dân vùng bão, sự đồng đều đó vừa vui nhưng cũng lại buồn.

Chính việc khó xác định mức thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh ở những vùng nuôi thủy sản đã kéo theo hàng loạt hệ lụy. Không ít vấn đề tiêu cực trong hỗ trợ thiệt hại cũng phát sinh từ chính thực tế này. Ngay tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, việc tiến hành hỗ trợ thiệt hại trong thời gian qua đã bị người dân phản đối kịch liệt, chính quyền địa phương phải quyết định hủy danh sách và kinh phí hỗ trợ 23,7 tỷ đồng đối với 175 hộ nuôi thủy sản. Rõ ràng, đã đến lúc phải nhận diện những lỏng lẻo trong quản lý vùng nuôi thủy sản để từ đó có hướng khắc phục.

Như vậy, bài học đắt giá trong hỗ trợ thiệt hại do thiên tai đó chính là lối sản xuất không theo những quy định đã được đưa ra. Cũng vì thế, trước mùa mưa bão năm nay, một vấn đề đặt ra khá bức thiết ở các địa phương là làm sao đưa nghề nuôi thủy sản theo đúng quy hoạch, các hộ nuôi phải kê khai sản xuất ban đầu, bởi đây là những điều kiện để có thể xác định mức thiệt hại một khi gặp rủi ro .

Những lý do đã khiến cho chỉ mới có 40% số hộ nuôi thủy sản ở Vạn Ninh, Khánh Hòa chấp nhận đưa lồng bè vào vùng nuôi theo quy hoạch. Vậy là, một nghịch lý kéo dài ở vùng biển: trong khi nhiều người đã rất thấm thía bài học đắt giá trong hỗ trợ thiệt hại thiên tai thì chính họ lại tiếp tục không tuân thủ những quy định trong nuôi thủy sản.

Rõ ràng, trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân là cùng tìm ra tiếng nói chung để đưa nghề nuôi thủy sản bằng lồng bè theo đúng quy hoạch và đúng quy định. Điều này sẽ giúp cho những hộ nuôi thủy sản bớt đi những rắc rối một khi xảy ra thiên tai, cần được hỗ trợ.

Nghịch lý thiếu và thừa đất làm vật liệu san lấp

VTV.vn - Trong khi một số dự án bị thiếu đất san lấp hợp pháp thì nhiều chủ đầu tư và nhà thầu lại gặp khó khăn khi xử lý đất thừa khi khai thác ở những vị trí không được cấp phép.