TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

[Tiêu điểm] Hiểm nguy từ các điểm kinh doanh vật liệu nổ

Phú Thạnh, Xuân Hoà (VTV8)Cập nhật 08:30 ngày 06/01/2018

VTV.vn - Việc buôn bán phế liệu là vật liệu nổ được nhiều người vô tư thực hiện tại các cơ sở thu mua phế liệu nằm trong khu dân cư, từ đó gây nên những hậu quả nghiêm trọng.

Nhà nước đã có Luật quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Bên cạnh đó, cũng có Luật bảo vệ môi trường để tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu kinh doanh trong lĩnh vực thu gom phế liệu. Thế nhưng, sự nhập nhằng giữa phế liệu và vũ khí vật liệu nổ đã dẫn đến tình trạng hàng nghìn cơ sở thu mua phế liệu vật liệu nổ trái phép trong khu dân cư vẫn ngang nhiên tồn tại.

Theo đánh giá, Việt Nam là quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn và chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới. Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu ha, chiếm gần 20% tổng diện tích của cả nước. Với số lượng bom mìn còn sót lại quá lớn, bao nhiêu năm nay ở Việt Nam vẫn đang tồn tại cái nghề mà người ta chỉ nghe thôi đã thấy rùng mình - đó là tìm kiếm, cưa các loại bom mìn để bán cho các điểm thu mua vật liệu. Bản thân những người làm nghề vẫn nhận thức được mức độ nguy hiểm, nhưng vì lợi nhuận nên mặc cho nhiều vụ nổ thương tâm xảy ra, cho đến nay nghề này vẫn tồn tại, đặc biệt là tại các cơ sở thu mua phế liệu nằm ẩn mình trong các khu dân cư. Tại tỉnh Quảng Trị, một trong những địa phương có diện tích bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ và vũ khí quân dụng sót lại sau chiến tranh nhiều nhất cả nước, tình trạng buôn bán trái phép vật liệu nổ tại các cơ sở thu mua phế liệu trong khu dân cư càng diễn ra phức tạp.

Vậy giải pháp nào để đảm bảo an toàn cho người dân khi các cơ sở thu mua phế liệu, vật liệu nổ tồn tại trong khu dân cư ? Thượng tá Đinh Xuân Hồng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2, Cảnh sát PCCC Thừa Thiên Huế cho biết: "Hiện công tác quản lý các cơ sở thu mua phế liệu, vật liệu nổ gặp rất nhiều khó khăn vì đa số các hộ kinh doanh đều nằm trong khu dân cư, trong khi đó các địa phương chưa bố trí được đất để di dời. Số lượng các cơ sở thu mua khá đông. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, đề nghị với các địa phương bố trí quỹ đất để di dời các hộ kinh doanh này ra xa khu dân cư, phối hợp liên ngành để kiểm tra trình trạng kinh doanh vật liệu nổ."

Theo Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn, với năng lực hiện tại thì Việt Nam phải mất hơn 300 năm mới có thể rà phá hết diện tích bị ô nhiễm bom mìn. Điều này đồng nghĩa với việc hoạt động tìm kiếm, mua bán vật liệu nổ trái phép sẽ vẫn tiếp tục tồn tại, đặc biệt là tại các điểm kinh doanh ở trong khu dân cư, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân nếu các cấp chính quyền không có những giải pháp quyết liệt trong việc xử lý các cá nhân và hộ gia đình khai thác và kinh doanh vật liệu nổ trái phép. 

Những con đường gây bức xúc giữa lòng Đà Nẵng

VTV.vn - Hơn 7 năm qua, người dân ở một con đường tại TP Đà Nẵng phải sống chung với cảnh mưa lầy nắng bụi, những ổ voi ổ trâu và nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập.