Hai tháng sau bão số 12 năm 2017, mức độ thiếu vốn trầm trọng nhất là ở vùng nuôi thủy sản, nơi gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất do bão. Đến bao giờ, những hộ gia đình nuôi thủy sản bị thiệt hại mới được chính thức khoanh nợ, giãn nợ cũng như được vay mới để khôi phục sản xuất? Đó là câu hỏi chung ở nhiều vùng biển.
Hiện đã có chủ trương hỗ trợ nguồn vốn cho người dân khôi phục sản xuất sau bão. Thế nhưng, thực tế tại vùng nuôi thủy sản, nhiều hộ gia đình vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn. Thậm chí nhiều người vẫn còn hoang mang, không biết rằng họ có được khoanh nợ, giãn nợ hay không? Mong mỏi được xử lý những khoản nợ ngân hàng cũng như được vay mới trở nên bức thiết. Trong thực tế, chính quyền địa phương và ngành ngân hàng cũng đã nỗ lực đưa ra những giải pháp để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả cơn bão số 12. Thế nhưng, kết quả thực hiện trong hai tháng qua so với nhu cầu thực tế là chưa nhiều. Một trong những nguyên nhân chính là những lúng túng trong xác định thiệt hại ở vùng nuôi thủy sản.
Để tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn tái thiết sau bão, những địa phương như Phú Yên, Khánh Hòa cần thiết phải có cơ chế đặc thù, đề xuất nguồn lực thực hiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng trong điều kiện, khả năng của mình, thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ, cho vay mới với tinh thần hỗ trợ cao nhất. Những việc này càng sớm triển khai thì cũng đồng nghĩa sớm giúp người dân vùng thiên tai ổn định cuộc sống sau bão.