TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Xuất khẩu lao động - Rào cản từ việc cư trú bất hợp pháp

Tùng Lâm, Quang Anh, Duy TâmCập nhật 21:21 ngày 31/03/2023

VTV.vn- Hiện nay, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp khi làm việc ở Hàn Quốc lên tới 1/3. Đây là vấn đề nhức nhối và trở thành rào cản cho việc xuất cảnh lao động

Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lao động lớn nhất cả nước, xếp thứ 3 chỉ sau Nhật Bản, Đài Loan. Tuy nhiên 4 tỉnh gồm Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh mới đây được Cục Quản lý Lao động ngoài nước đăng tải thông báo tiếp tục dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc do có nhiều lao động cư trú bất hợp pháp.

Theo đó, các địa phương bị tạm dừng bao gồm: huyện Nghi Xuân, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh); thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương); thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An); huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa). Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết, việc tạm dừng tuyển chọn lao động tại các tỉnh này căn cứ theo Bản ghi nhớ về chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) với Hàn Quốc và mục tiêu, lộ trình giảm lao động cư trú bất hợp pháp giai đoạn 2020-2022.

Theo Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, việc tạm dừng tuyển lao động áp dụng với các quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.

Theo thống kê tỉnh Thanh Hóa còn 890 lao động làm việc bất hợp pháp trên tổng số hơn 6.000 người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, chiếm 8,77% tổng số lao động cả nước đang cư trú trái phép tại Hàn Quốc. Do lao động bỏ trốn ra ngoài nhiều dẫn đến các thị trường Hàn Quốc dừng tiếp nhận lao động tại 2 huyện Đông Sơn, Hoằng Hoá, yêu cầu khắc phục giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp mới được tiếp nhận lao động trở lại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam - Hàn Quốc mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động muốn sang thị trường "tiềm năng" này làm việc.

Huyện Hoằng Hoá và huyện Đông Sơn là 2 địa phương có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp nhiều nhất tỉnh Thanh Hoá, với trên 400 lao động. Đáng chú ý là 2 địa phương này đã bị tạm dừng tiếp nhận lao động sang Hàn Quốc nhiều năm. Việc này khiến cho hàng trăm lao động ở 2 huyện đã tham gia học tiếng Hàn Quốc không được dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc.

Nhu cầu xuất cảnh lao động sang Hàn Quốc tại Thanh Hoá gia tăng những năm trở lại đây. Năm 2023, số lượng đăng ký thi tuyển lao động sang Hàn Quốc tại Thanh Hoá gần 6.000 người. Tuy nhiên với việc tỷ lệ lao động trái phép như hiện nay đang là rào cản lớn trong hoạt động xuất cảnh lao động sang Hàn Quốc.

Lao động cư trú trái phép tại Hàn Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro, như: không được bảo hộ về quyền công dân; bị giam giữ trái phép, ngược đãi; bị chủ sở hữu lao động nợ lương, vì vậy hệ luỵ để lại là rất lớn. Hiện nay, các địa phương tiếp tục tăng cường các giải pháp vận động tuyên truyền để đảm bảo được con em ở địa phương không cư trú ở lại nước ngoài trái pháp luật hoặc phải về nước đúng thời hạn.

Để tạo cơ hội cho những lao động khác trên địa bàn có nhu cầu xuất khẩu lao động sang thị trường Hàn Quốc, tỉnh Thanh Hoá đã ban hành nhiều chỉ thị, yêu cầu đề nghị các địa phương triển khai các giải pháp, khắc phục, nhằm giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp.

Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, việc 4 tỉnh bị tạm dừng xuất cảnh do có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc trên 27% được quy định trong thỏa thuận giữa Việt Nam và Hàn Quốc ký năm 2021. Tuy nhiên, việc tạm dừng chỉ quy định trong Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài đợt 01 chứ không phải hết năm 2023.

Mặt khác, các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động lao động về nước theo quy định. Có cam kết xác định trách nhiệm của gia đình người lao động trong việc vận động người thân trở về nước. Phối hợp với cơ quan chức năng nắm bắt và giải quyết kịp thời những phát sinh trong công tác xuất khẩu lao động nói chung và xuất khẩu lao động đi Hàn Quốc nói riêng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Hà Tĩnh: Vướng mặt bằng khiến hàng loạt dự án chậm tiến độ

VTV.vn-Vướng mắc về giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chính khiến hàng loạt dự án ở Hà Tĩnh bị chậm tiến độ. Công tác giải ngân vốn đầu tư công vì thế cũng không được như kỳ vọng.