TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Các lò than ngang nhiên hoạt động trong khu dân cư - Trách nhiệm thuộc về ai?

Đức Hiếu, Hoàng TuyềnCập nhật 20:37 ngày 19/01/2022

VTV.vn - Việc các cơ sở sản xuất than củi ở Đắk Lắk gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ngay gần các khu dân cư nhưng không bị xử lý đang gây bức xúc dư luận tại địa phương.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện vẫn còn hơn 100 lò than hoạt động, công suất từ 7-10 tấn than mỗi ngày, tập trung chủ yếu tại các huyện Krông Pắk, Buôn Đôn, Ea H’Leo…Các cơ sở đốt than này hầu hết đều hoạt động không phép, không đúng quy định đất đai, vi phạm tiêu chí môi trường; xây dựng gần khu dân cư nhưng không được lắp đặt ống khói và hệ thống phun sương để thu gom khói bụi, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vườn cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái của các hộ sát các lò đốt than đều bị ảnh hưởng nặng, cây khô héo, không thể phát triển được. Đáng nói, sau khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xử phạt các cơ sở sản xuất than này vẫn tiếp tục hoạt động.

Không chỉ vậy, xung quanh những lò than, là hàng chục đống củi từ gỗ không rõ nguồn gốc. Tại đây, không khó khăn gì để phát hiện nhiều thân cây gỗ dài chừng 3-4 m, có đường kính từ 40-50 cm đang được cắt nhỏ chờ cho vào lò đốt.

Lý giải cho tình trạng trên, chính quyền địa phương cho biết, quá trình thực hiện tái canh cà phê nên củi từ cây cà phê, các cây trồng khác do người dân phá bỏ. Trong khi nhu cầu sử dụng than củi lại tăng cao. Do đó, nhiều hộ dân đã xây dựng lò để tận dụng lượng củi này. Mỗi cây cà phê già cỗi phá đi cũng có giá hàng chục ngàn đồng là nguồn thu đáng kể để hỗ trợ người dân có vốn tái canh cà phê. Điều này là hợp lý. Thế nhưng không vì thế mà để tình trạng lò than trái phép hoạt động không kiểm soát, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân.

Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, nhiều hộ dân khác có vườn cây gần lò than cũng rất bức xúc vì các lò đốt than gây ô nhiễm, làm sụt giảm năng suất, sản lượng rất lớn hàng năm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống.

Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, qua kiểm tra 11 cơ sở đốt than trên địa bàn cho thấy, 4 cơ sở không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, 5 cơ sở không có đề án bảo vệ môi trường, cả 11 cơ sở đều xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Trong đó, một số cơ sở hoạt động quy mô lớn, tồn tại trong thời gian dài từ năm 2012 đến nay.

Mặc dù UBND tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều động thái tích cực trong việc chấm dứt hoạt động của các lò than trái phép, tuy nhiên, thời gian gần đây hoạt động mua bán, vận chuyển và đốt than của những lò trái phép này vẫn diễn ra khá phức tạp. Trong khi chờ các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương có biện pháp xử lý dứt điểm những lò đốt than thì ngày qua ngày, người dân vẫn phải tiếp tục sống trong khói bụi ô nhiễm.

Không thể phủ nhận các lò đốt than đem lại lợi ích kinh tế cho nhiều hộ dân và tạo công ăn việc làm cho không ít lao động địa phương, thế nhưng, không thể vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi sức khỏe, môi trường của cộng đồng dân cư. Đã đến lúc các ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk cần phải kiên quyết, đóng cửa các cơ sở sản xuất không đảm bảo về môi trường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Quảng Nam: Nhiều cụm công nghiệp thiếu nhà máy xử lý nước thải

VTV.vn - Việc nhiều cụm công nghiệp ở Quảng Nam chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung gây khó khăn trong việc kiểm soát nước thải ra môi trường và ảnh hưởng thu hút đầù tư.