TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Chưa thể thoát nghèo vì thiếu đất sản xuất

Tùng Lâm, Quang AnhCập nhật 17:27 ngày 25/10/2023

VTV.vn - Tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu sinh kế cho người dân đang là khó khăn chung đối với nhiều bản tái định cư ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.

Tại huyện biên giới Mường Lát, Thanh Hóa, những năm qua, nhiều hộ dân sinh sống ở các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, sạt lở đất đã được chính quyền địa phương di dời đến các khu tái định cư mới để ổn định đời sống. Tuy nhiên, việc bố trí đất ở và đất sản xuất tại các khu tái định cư gặp nhiều khó khăn, do các khu đất đủ điều kiện để sản xuất đều thuộc đất rừng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất là rất khó khăn.

Trước mắt huyện Mường Lát đang tìm hướng thoát nghèo cho người dân bằng con đường xuất khẩu lao động, đào tạo nghề đưa thanh niên đi làm công nhân cho các công ty trong nước. Tuy nhiên vẫn có một bộ phận còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ Nhà nước, chưa chủ động để tìm cách thoát nghèo.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, tỉnh hiện có 10 công ty nông, lâm nghiệp đang sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại đất khác. Trên thực tế, từ nhiều năm qua, các nông lâm trường trên địa bàn tỉnh được giao sử dụng diện tích đất đai rất lớn, tuy nhiên nhiều đơn vị quản lý không hiệu quả, chuyển nhượng sai quy định, để tình trạng xâm canh, lấn chiếm. Tỉnh Thanh Hoá đã ra quyết định chỉ đạo các nông trường này khẩn trương giải quyết và giao đất về cho địa phương quản lý những diện tích chồng lấn, xâm canh, không sử dụng, thế nhưng đến nay, nhiều công ty vẫn chậm triển khai. Tình trạng người dân thiếu đất sản xuất vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.

Theo kết quả kiểm tra, Thanh Hoá có trên 3.800 ha diện đất nông, lâm nghiệp dự kiến giao về cho địa phương quản lý, đến nay, công tác bàn giao diện tích đất này cho các địa phương triển khai còn rất chậm. Trước tình trạng người dân thiếu đất sản xuất, chuyển đổi những diện tích trên về cho các huyện quản lý là nhu cầu bức thiết đối với các địa phương.

Thực tế trong hơn 3.800 ha đất mà các nông lâm trường bàn giao về cho các địa phương trên địa bàn Thanh Hoá thì diện tích đất sạch để địa phương lên phương án sử dụng cũng như giao lại cho người dân là rất ít. Vẫn chưa rõ khi nào đất nông, lâm trường mới trả về cho địa phương quản lý, trong khi thực trạng thiếu đất sản xuất khiến cho người dân chưa thể thoát nghèo. Việc chậm bàn giao đất nông trường đang phát sinh nhiều tiêu cực và khiến nguồn lực đất đai bị phân tán, gây lãng phí rất lớn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nông dân Quảng Ngãi xây dựng thương hiệu nông sản

VTV.vn - Hiện nay, ở nhiều địa phương, nông dân không chỉ dừng lại ở sản xuất nông nghiệp mà chuyển dần sang mô hình kinh tế nông nghiệp.