Nuôi tôm trên cát là thế mạnh kinh tế của các tỉnh ven biển miền Trung. Nhưng những vùng nuôi tôm trên cát cũng chính là "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường. Biểu hiện dễ thấy nhất là tại các vùng nuôi tôm, nguồn nước bị cạn kiệt và ô nhiễm. Thực tế này đã kéo dài gần 20 năm qua, gây bức xúc dai dẳng trong người dân. Cũng vì vậy, lúc này, Tổng cục Thủy sản và các địa phương đang đưa ra những hướng đi mới cho nghề nuôi tôm trên cát được bền vững, cũng đồng nghĩa giảm suy thoái môi trường nước.
Nhiều người cho rằng: để có sản lượng tôm trên 40 ngàn tấn thu được mỗi năm, ven biển miền Trung phải trả giá khá đắt cho vấn đề nhức nhối, đó là suy thoái môi trường. Thực tế này được nhận diện từ lâu, nhưng để điều chỉnh là không dễ dàng khi với người nuôi tôm, mối quan tâm hàng đầu là năng suất, sản lượng chứ không phải là môi trường.
Trong thực tế, giải quyết sức ép môi trường từ nuôi tôm trên cát là hoàn toàn có thể làm được nếu áp dụng những công nghệ mới trong nuôi tôm. Hiện tại, một số doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm trên cát đã làm được điều này. Chi phí đầu tư, kiểu nuôi tôm manh mún là hai trở ngại lớn đối với phần đông người nuôi tôm trên cát khi muốn áp dụng công nghệ mới. Tuy nhiên, đây là việc không thể không đầu tư. Nếu cứ giữ kiểu nuôi tôm trên cát như lâu nay, cũng sẽ kéo dài mối nguy ô nhiểm môi trường ven biển và khi đó, những người nuôi tôm chính là những người đầu tiên gánh chịu thiệt hại do những vụ tôm đầy rủi ro.