Một trong những Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng nhất trong năm của liên minh châu Âu EU vừa kết thúc trong tuần qua với một thỏa thuận về vấn đề người nhập cư. Tuy nhiên, giới phân tích đều có nhận định rằng, thỏa thuận chung được đưa ra tại hội nghị vẫn chưa thể dập tắt được các cuộc tranh cãi khi đặt ra nhiều câu hỏi về việc thực thi cũng như vấp phải sự chỉ trích của các tổ chức phi Chính phủ.
Ngược lại, việc chia sẻ trách nhiệm giải quyết vấn đề người di cư ở châu Âu vẫn luôn là chủ đề gây bất đồng sâu sắc giữa các quốc gia thành viên. Các nhà lãnh đạo lục địa già đã thừa nhận thất bại trong nỗ lực cải cách toàn diện hệ thống tị nạn châu Âu vốn đang bị sa lầy trong suốt 2 năm qua và hội nghị lần này dường như cũng chưa thể giúp giải quyết vấn đề.
Trung tâm tị nạn Thermopylae dành cho người nhập cư bất hợp pháp tại Hy Lạp đang phải đối mặt với việc thiếu nguồn lực tài chính. Điều này khiến cho trung tâm gần như không thể duy trì được hoạt động và những người tị nạn đang lâm vào tình trạng khó khăn thiếu thốn nghiêm trọng. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu EU vừa qua, các nhà lãnh đạo đã đạt được một thỏa thuận về vấn đề người nhập cư. Theo đó, trên tinh thần tự nguyện, EU sẽ thiết lập các trung tâm kiểm soát và chuyển những người nhập cư tới gần các khu vực bờ biển của EU. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã khiến các nhân viên tại trại tị nạn Thermopylae thất vọng bởi họ không nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào để duy trì hoạt động của trung tâm.
Tình trạng bế tắc giữa các nước châu Âu trong vấn đề người di cư còn thể hiện rõ ở cách thức xử lý việc tiếp nhận người tị nạn. Trước đó, hồi đầu tháng 6, tàu Aquarius của Tổ chức phi chính phủ SOS Địa Trung Hải (SOS Mediterranee) đã cứu 629 người di cư trái phép tại vùng biển Trung Địa Trung Hải. Tuy nhiên, cả Malta và Italy đều từ chối mở cảng cho tàu cứu hộ này, khiến tàu Aquarius phải neo đậu ở vùng biển giữa Malta và đảo Sicily của Italy. Sau đó, hơn 600 người nhập cư trên con tàu này được cập cảng Valencia của Tây Ban Nha, chấm dứt hành trình kinh hoàng lênh đênh trên biển trong suốt một tuần.
Tuy nhiên, vụ việc này đã gây ra một cuộc tranh cãi gay gắt ở châu Âu liên quan tới cách thức xử lý vấn đề. Ủy ban châu Âu và Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn đã yêu cầu một giải pháp nhanh chóng cho vấn đề, đồng thời hối thúc các nước liên quan thực hiện nghĩa vụ nhân đạo của mình. Trong khi đó, hội Chữ thập đỏ và Bác sĩ không biên giới đã cảnh báo, châu Âu cần thay đổi chính sách nhập cư để chấm dứt tình trạng hàng nghìn người di cư bỏ mạng trên biển khi tìm cách tới châu lục này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!