TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Ngành cà phê đáp ứng luật chống phá rừng của EU

Ngọc Thúy, Bảo Tuấn, Hoàng TuyềnCập nhật 10:13 ngày 27/11/2024

VTV.vn- Những năm qua, ngành hàng sản xuất, xuất khẩu cà phê các tỉnh Tây Nguyên,đã và đang có những bước đi để đáp ứng mọi quy định khắt khe của Luật chống phá rừng của EU (EUDR).

Luật chống phá rừng của EU (EUDR) đòi hỏi những mặt hàng nông nghiệp nhập khẩu chủ chốt (cà phê, ca cao, dầu cọ, đậu nành, gia súc, cao su và gỗ) không được sản xuất trên đất rừng bị phá kể từ sau năm 2020 đã có hiệu lực kể từ ngày 29 tháng 6 năm 2023 và các điều khoản của quy định này sẽ được áp dụng từ ngày 30 tháng 12 năm 2024. Vừa qua, Hội đồng EU đã nhất trí về việc hoãn ngày áp dụng quy định này thêm một năm. Như vậy các nước có thêm thời gian để chuẩn bị tốt hơn cho việc triển khai. Tại các tỉnh Tây Nguyên, ngành hàng sản xuất, xuất khẩu cà phê đã và đang có những bước đi để đáp ứng mọi quy định khắt khe của EUDR, đặc biệt là vấn đề sản xuất có trách nhiệm với môi trường.

EU là thị trường tiêu thụ hơn 40% sản lượng cà phê của Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của nước ta, quy định sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu vào thị trường này bắt buộc không được trồng trên đất phá rừng hoặc làm suy thoái rừng đang tạo thách thức nhưng cũng là động lực mới cho chiến lược phát triển ngành hàng cà phê một cách bền vững.

Người tiêu dùng châu Âu nói riêng, thế giới nói chung ngày càng quan tâm đến các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Đạo luật chống phá rừng của EU có thể là đòn bẩy thúc đẩy ngành cà phê ngày càng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm đi đôi với bảo vệ môi trường.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhiều nơi nông dân có kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, lạm dụng phân bón hóa học làm suy thoái hệ sinh thái và xâm canh cà phê trên đất lâm nghiệp vẫn còn diễn ra, do vậy, quy định khắt khe của EU vừa là thách thức, và cũng là cơ hội để chúng ta càng nỗ lực hơn trong việc minh bạch từ sản xuất đến tiêu thụ, mà mấu chốt đầu tiên là phải nâng cao nhận thức cho nông dân từ khâu sản xuất.

Hàng trăm hộ dân với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đang được tập huấn nhiều kiến thức về sản xuất cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện năng suất, chất lượng hạt cà phê, cũng như áp dụng các thực hành canh tác bền vững, cải thiện chất lượng đất và bảo vệ sức khỏe chính người sản xuất.

Tỉnh Đắk Nông - địa phương có diện tích, sản lượng cà phê đứng thứ 3 cả nước và khu vực Tây Nguyên (sau Đắk Lắk và Lâm Đồng) - hiện có khoảng 142.000ha cà phê, sản lượng trên 360.000 tấn/năm. Tuy có khoảng 100.000 ha cà phê đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng chỉ có khoảng 23.500 ha sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững tự nguyện như 4C, Rainforest, ... Do vậy, địa phương này đang triển khai dự án sản xuất cà phê bền vững hướng tới giảm phát thải và đáp ứng các quy định chống phá rừng của EU (EUDR), từ đó nâng cao nhận thức và đời sống người dân gắn với bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Các dự án thực hành canh tác cà phê bền vững, đáp ứng quy định chống phá rừng của EU đang được triển khai sâu rộng tại các tỉnh Tây nguyên, nhằm góp phần vào sự phát triển bền vững và vị thế của ngành hàng cà phê Việt Nam khi xuất khẩu vào châu Âu và trên thị trường toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Bình Định ghi nhận 4 trường hợp tử vong do cúm A/H1pdm

VTV.vn - Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Định, tỉnh này đã ghi nhận 9 ca dương tính với cúm A/H1pdm, trong đó 4 người đã tử vong.