TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Quảng Nam gấp rút tháo gỡ vướng mắc để bán tín chỉ carbon rừng

Đỗ Vinh, Hữu ThịnhCập nhật 15:35 ngày 08/08/2024

VTV.vn - Tỉnh Quảng Nam có nửa triệu héc ta rừng tự nhiên, nếu hồ sơ bán tín chỉ carbon được thông qua, ước tính mỗi năm tỉnh này thu về hơn 130 tỷ đồng.

Ngân hàng thế giới chi 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỉ đồng) để mua 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng tại 6 tỉnh Bắc Trung bộ. Theo tính toán của các chuyên gia lâm nghiệp, nếu thực hiện được các giao dịch tương xứng, nước ta có thể bán tín chỉ carbon với giá trị khoảng 300 triệu USD/năm.

Điều đáng nói là tại 6 tỉnh Bắc Trung bộ, tiền bán tín chỉ carbon đã về đến tay chủ rừng thì tại Quảng Nam, địa phương có diện tích rừng đứng thứ 2 cả nước và cũng là địa phương chọn thí điểm xây dựng đề án bán tín chỉ carbon, đến nay vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ để phát hành tín chỉ do vướng thủ tục đấu thầu. Hồ sơ tín chỉ carbon của tỉnh Quảng Nam xây dựng từ năm 2018 không đáp ứng được yêu cầu về mặt kỹ thuật phiên bản mới nhất và tiêu chuẩn mới để trình Tổ chức quốc tế xác minh, phát hành tín chỉ. Muốn xây dựng hồ sơ mới phải tìm đối tác tư vấn và phải đấu thầu. Trong khi đó, lĩnh vực này hầu như không có nhà thầu tham gia. Tỉnh Quảng Nam đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng hồ sơ chung với các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên nhưng chưa nhận được phản hồi.

Hiện nay, 11 tỉnh gồm: Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận đang thực hiện Thỏa thuận mua bán giảm phát thải từ rừng vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ đến năm 2025 với tổng diện tích hơn 4 triệu héc ta rừng, có thể thu về hơn 100 triệu đô la Mỹ. Trong khi đó, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam không thuộc nhóm này nên chưa biết đến bao giờ mới giao dịch được trên thị trường như các địa phương trên cả nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nông dân Quảng Ngãi xây dựng thương hiệu nông sản

VTV.vn - Hiện nay, ở nhiều địa phương, nông dân không chỉ dừng lại ở sản xuất nông nghiệp mà chuyển dần sang mô hình kinh tế nông nghiệp.