TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Vướng mắc trong đề án bán tín chỉ carbon rừng

Đỗ Vinh, Lê HuyCập nhật 15:10 ngày 30/01/2024

VTV.vn - Sau gần 3 năm có chủ trương thí điểm của Chính phủ, đề án bán tín chỉ carbon rừng của Quảng Nam vẫn chưa được triển khai trên thực tế do còn gặp nhiều vướng mắc.

Quảng Nam là một trong số những địa phương có diện tích rừng nguyên sinh lớn nhất cả nước. Từ năm 2018, tỉnh Quảng Nam phối hợp với các tổ chức quốc tế để xây dựng đề án phát triển rừng bền vững. Tháng 5-2021, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương để UBND tỉnh Quảng Nam nghiên cứu, lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng trong thời gian từ năm 2021-2025. Với diện tích rừng hiện có và khả năng hấp thụ carbon, nếu giao dịch trên thị trường thế giới, mỗi năm, Quảng Nam kỳ vọng sẽ thu được hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mọi thủ tục vẫn giậm chân tại chỗ.

Vườn quốc gia sông Thanh - Quảng Nam. Với diện tích hơn 75 ngàn héc ta, hệ sinh thái rừng gần như nguyên vẹn, đây được xem là đai rừng tự nhiên liền mạch lớn nhất miền Trung. Theo đề án bán thí điểm tín chỉ carbon, năng lực hấp thụ CO2 của vườn quốc gia sông Thanh, trung bình mỗi năm, chủ rừng có thể thu về hàng chục tỷ đồng. Đây sẽ là nguồn kinh phí rất lớn để chi trả cho gần 300 nhân viên giữ rừng chuyên trách và đầu tư phát triển rừng. Tuy nhiên, sau gần 3 năm có chủ trương thí điểm của Chính phủ, đề án bán tín chỉ carbon của Quảng Nam vẫn chưa được triển khai trên thực tế.

Với diện tích gần 500 ngàn héc ta rừng, độ che phủ hơn 60%, giai đoạn trung bình mỗi năm rừng Quảng Nam sẽ tạo được 1 triệu tín chỉ. Nếu giao dịch thành công, Quảng Nam có thể thu được 130 tỷ đồng. Nguồn thu này lớn hơn nhiều so với nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng hiện có. Trong hai năm qua, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Quảng Nam đã làm việc với nhiều tổ chức quốc tế, đơn vị tư vấn, thẩm định hồ sơ. Theo lãnh đạo chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, đến nay, hồ sơ thẩm định vẫn chưa hoàn thiện, địa phương cũng chưa chọn được đối tác làm tư vấn nên chưa thể triển khai trên thực tế.

Quảng Nam đã cải tổ toàn bộ lực lượng bảo vệ rừng theo hướng rừng đã có chủ, bảo vệ rừng tại gốc. Trung bình mỗi năm, tỉnh này thu hơn 200 tỷ đồng từ tiền dịch vụ môi trường rừng. Và đây cũng là cơ sở để tỉnh này triển khai đề án bán tín chỉ carbon. Nhưng để tín chỉ carbon rừng của Việt Nam vận hành trên sàn giao dịch quốc tế, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho rằng, ngoài hoàn thiện hành lang pháp lý, các tổ chức quốc tế yêu cầu công tác bảo vệ rừng phải đáp ứng được mục tiêu đặt ra rất khắt khe. Nếu đề án này được triển khai trên thực tế, trong vòng 10 năm tới, diện tích rừng tự nhiên của Quảng Nam sẽ tăng thêm 20%. Địa phương này sẽ phục hồi và làm giàu rừng đạt khoảng 7 triệu mét khối gỗ và giảm phát thải khoảng 14 triệu tấn CO2 từ rừng vào năm 2030.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Du lịch Đà Nẵng kích cầu thu hút khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

VTV.vn - Nhằm thu hút khách dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 kéo dài 5 ngày sắp tới, các điểm đến tại Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều sản phẩm mới và chương trình ưu đãi kích cầu hấp dẫn.