TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Gian nan nghề câu mực ngoài khơi

Đỗ Vinh, Đình HiệpCập nhật 21:14 ngày 24/10/2023

VTV.vn-Nghề câu mực khơi là nghề có thu nhập cao nhất trong các loại hình đánh bắt hải sản, nhưng cũng là nghề đầy gian nan bởi người thợ câu thường xuyên đối mặt với những rủi ro.

Mực khơi là một trong những nghề khai thác chính của ngư dân miền Trung. Tuy nhiên, do đặc thù là đi dài ngày trên ngư trường khơi, tàu thì không lớn nhưng ngư dân lại rất đông nên tiềm ẩn nguy cơ những rủi ro, nhất là tai nạn trên biển.

Mới đây, hai tàu câu mực khơi của ngư dân huyện Núi Thành bị lốc xoáy đánh chìm trên ngư trường Trường Sa của Việt Nam khiến 15 lao động tử nạn (13 người còn mất tích), 78 ngư dân được các tàu câu mực lân cận cứu sống. Điều này một lần nữa cho thấy, đây là nghề nguy hiểm. Đảm bảo an toàn cho ngư dân cũng như sự hỗ trợ nhau trên biển là điều quan trọng nhất.

Nghề câu mực khơi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi chuyến biển, ngư dân thu về từ 60-80 triệu đồng. Tuy nhiên, do giá xăng dầu tăng, chi phí mỗi chuyến câu mực, chủ tàu phải đầu tư gần cả tỷ đồng. Ngoài đảm bảo an toàn cho bạn thuyền, chủ tàu còn phải tuân thủ quy định của ngành thủy sản.

Trước đây, nghề câu mực khơi thịnh hành ở một số tỉnh, thành miền Trung. Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà một số ngư dân dần chuyển đổi sang ngành nghề khai thác khác. Tại Quảng Nam, địa phương này hiện có hơn 60 tàu câu mực. Do tính chất hoạt động vào ban đêm, thả thúng xa tàu mẹ đến 10 hải lý, số lượng thúng quá nhiều nên việc thu hồi thúng khi có giông lốc là rất khó. Sau vụ chìm 2 tàu câu mực vừa qua, cơ quan chức năng cần hỗ trợ để đảm bảo an toàn cho ngư dân trong mỗi chuyến vươn khơi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nông dân Quảng Ngãi xây dựng thương hiệu nông sản

VTV.vn - Hiện nay, ở nhiều địa phương, nông dân không chỉ dừng lại ở sản xuất nông nghiệp mà chuyển dần sang mô hình kinh tế nông nghiệp.